KINH DOANH DỊCH VỤ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA BẰNG ĐƯỜNG BỘ CẦN ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN GÌ KHÔNG?

Chào luật sư, công ty tôi là công ty một thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hóa, hiện nay muốn hoạt động thêm về ngành nghề kinh doanh vận tải (bao gồm hành khách và hàng hóa) theo tuyến cố định bằng xe ô tô. Vậy công ty tôi phải làm gì, mong luật sư hướng dẫn giúp. Tôi xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã quan tâm sử dụng dịch vụ của Luật Đồng Khánh, với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trao đổi, giải đáp cho bạn như sau:
Để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
1. Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh tương ứng với công việc kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường bộ
– 4931: Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt)

– 4932: Vận tải hành khách đường bộ khác
– 4933: Vận tải hàng hóa bằng đường bộ
– 5225: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ
– 5229: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải
Doanh nghiệp có thể lựa chọn các mã ngành trên hoặc lựa chọn các mã ngành phù hợp tại hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Trường hợp muốn chi tiết, doanh nghiệp có thể tham khảo và ghi theo ngành nghề tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
2. Điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định
Theo quy định tại Điều 64 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Hoạt động vận tải đường bộ gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

a. Điều kiện chung cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
– Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:

+) Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
+) Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
+) Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
+) Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;
+) Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi (hộ kinh doanh không được thực hiện hoạt động này), và phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:
+) Có bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông;
+) Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai.
b. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định
– Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định

– Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 6. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn mà chưa có bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì cho phép tuyến vận tải hành khách cố định được xuất phát và kết thúc tại bến xe dưới loại 6.
– Nội dung quản lý tuyến
+) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến;
+) Thông báo biểu đồ chạy xe theo tuyến và cập nhật vào danh mục mạng lưới tuyến các nội dung gồm: Tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến, giãn cách thời gian tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề, giờ xuất bến của các chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác; danh sách đơn vị đang khai thác tuyến; xây dựng và thông báo điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến;
+) Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định:
+) Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
+) Phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe;
+) Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.
b. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá phải đáp ứng các điều kiện sau:

+) Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
+) Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.
+) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

  • Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
  • Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

+) Các thông tin phải được niêm yết theo quy định
+) Xe ô tô vận tải hàng hóa phải có kích thước thùng xe đúng theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
+) Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn sử dụng theo quy định, dụng cụ thoát hiểm
+) Đáp ứng các quy định về phù hiệu xe.
Như vậy, ban đầu doanh nghiệp bạn thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Chuẩn bị các điều kiện theo quy định pháp luật để thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Luật Đồng Khánh xin cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm sử dụng dịch vụ của Công ty chúng tôi. Có bất cứ thắc mắc gì xin quý khách liên hệ tới địa chỉ sau, chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn giải đáp thắc mắc của quý khách:

CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0919 485331/0865 698331

Email: luatdongkhanh@gmail.com
Website: www.luatdongkhanh.comwww.dongkhanhlegal.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *