NGHỊ ĐỊNH 100/2019/NĐ-CP XỬ PHẠT VPHC TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Luật Đồng Khánh xin đề cập một số nội dung nổi bật của Nghị định như sau:

– Điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông, tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ…

Theo đó, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng và tước GPLX 4 – 6 tháng. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng.

– Sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Đồng thời bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ các thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.

– Bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, cơ quan kiểm định thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.

Trên đây là một số nội dung nổi bật của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chúng tôi xin được cập nhật. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết hơn, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ:

CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Website: luatdongkhanh.com – dongkhanhlegal.com

Email: luatdongkhanh@gmail.com
Hotline: 0919 485331/0978 173801

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *