HÀNG THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Hàng thừa kế là một trong những yếu tố quan trọng để xác định được người hưởng di sản thừa kế là những ai? Mỗi phần thừa kế là như thế nào? Dựa trên các quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 về chế định thừa kế, Công ty Luật Vlegal Đồng Khánh xin cung cấp cho khách hàng một số thông tin liên quan đến xác định hàng thừa kế theo pháp luật.
1. Quy định của pháp luật về hàng thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Người thừa kế theo pháp luật
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, hàng thừa kế được xác định trên cơ sở:
– Quan hệ hôn nhân: vợ, chồng của người chết
– Quan hệ huyết thống trực hệ: cha, mẹ, con, ông, bà, cháu, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác,…
– Quan hệ nuôi dưỡng: cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết
Lưu ý trong một số trường hợp xác định hàng thừa kế:
– Theo quy định tại Điều 655, Bộ luật dân sự năm 2015:
+ Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế di sản.
+ Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế.
+ Trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/8/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này vợ, chồng được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của tất cả những người chồng (vợ) và ngược lại.
– Đối với quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ là hàng thừa kế thứ nhất của nhau nếu việc nhận nuôi được đăng ký theo quy định của pháp luật
– Đối với hàng thừa kế thứ 2 và 3 cần xác định rõ các khái niệm như: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và anh chị em ruột,.. việc giải thích rõ các khái niệm trên sẽ giúp xác định hàng thừa kế một cách chính xác.
2. Nguyên tắc và trình tự hưởng di sản đối với các hàng thừa kế
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Nếu không có ai là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.
Quý khách có nhu cầu tư vấn và sử dụng dịch vụ xin vui lòng liên hệ theo thông tin như sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0919 485331/0865 698331
Email: luatdongkhanh@gmail.com
Website: www.luatdongkhanh.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *