GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG KHÔNG ĐÓNG DẤU CÔNG TY?

Hiện nay, trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp, khi người đại diện theo pháp luật ký kết các hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty. Thông thường, người đại diện theo pháp luật ký và đóng dấu pháp nhân công ty trong hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, người đại diện theo pháp luật ký trong các hợp đồng, giao dịch nhưng không đóng dấu pháp nhân. Vậy câu hỏi đặt ra là hợp đồng, giao dịch đó có giá trị pháp lý hay không? Khi xảy ra tranh chấp thì công ty hay người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm đối với hợp đồng, giao dịch này?
1. Hợp đồng, giao dịch của công ty do người đại diện theo pháp luật ký mà không đóng dấu công ty có hiệu lực pháp luật không?
– Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về con dấu của doanh nghiệp:

+ Việc quản lý, sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty
+ Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
– Như vậy, trong trường hợp pháp luật không có quy định bắt buộc về việc phải đóng dấu công ty trong hợp đồng, văn bản thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo điều lệ công ty, hoặc do các bên thỏa thuận. Do vậy, đối với các hợp đồng, giao dịch, văn bản thông thường mà các bên không có thỏa thuận gì về việc phải đóng dấu trong văn bản và Điều lệ không có quy định thì vẫn sẽ có hiệu lực theo quy định pháp luật mà không bắt buộc phải có con dấu pháp nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch, văn bản, hợp đồng của công ty đều được đóng dấu để tăng sự tin cậy đối với đối tác, tránh xảy ra tranh chấp không đáng có. Và các văn bản của công ty nộp cho cơ quan có thẩm quyền hầu hết là không được tiếp nhận nếu không có dấu pháp nhân.
Ví dụ:
Ông Đ (người đại diện theo pháp luật) nhân danh công ty K ký kết hợp đồng mua bán trang thiết bị cho công ty. Trong hợp đồng có chữ ký của ông Đ nhưng không có đóng dấu của công ty K thì hợp đồng này vẫn có hiệu lực giữa các bên (nếu Điều lệ công ty K không quy định bắt buộc phải đóng dấu công ty trong các hợp đồng, giao dịch phục vụ hoạt động của công ty do người đại diện theo pháp luật ký nhân danh công ty và các bên không có sự thỏa thuận về việc phải đóng dấu công ty trong văn bản).
2. Khi xảy ra tranh chấp thì chủ thể nào chịu trách nhiệm với hợp đồng, giao dịch
– Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 87. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
– Như vậy, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện việc ký kết hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty và đúng theo phạm vi đại diện quy định trong Điều lệ công ty để phục vụ cho hoạt động của công ty thì khi có tranh chấp, công ty là chủ thể chịu trách nhiệm đối với quyền và nghĩa vụ mà hợp đồng được xác lập.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật thực hiện quyền và nghĩa vụ vượt quá phạm vi đại diện theo quy định trong Điều lệ, thì phần nghĩa vụ vượt quá do người đại diện chịu trách nhiệm.

Luật Đồng Khánh xin cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm sử dụng dịch vụ của Công ty chúng tôi. Có bất cứ thắc mắc gì xin quý khách liên hệ tới địa chỉ sau, chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn giải đáp thắc mắc của quý khách:

CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0919 485331/0865 698331

Email: luatdongkhanh@gmail.com
Website: www.luatdongkhanh.comwww.dongkhanhlegal.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *