TỶ LỆ SỞ HỮU VỐN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Chào luật sư, công ty tôi đang làm việc là công ty 100% vốn nước ngoài, hiện nay đang có nhu cầu mua toàn bộ cổ phần của một công ty cổ phần trong nước để nắm quyền sở hữu, điều hành công ty. Theo quy định của pháp luật có hạn chế nào đối với việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hay không, mong luật sư giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã quan tâm sử dụng dịch vụ của Luật Đồng Khánh, với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trao đổi, giải đáp cho bạn như sau:
– Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn mua cổ phần của một công ty trong nước và nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hoạt động này được quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư 2014 quy định về việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:
“1. Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.
2. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Luật này.”
Như vậy, công ty bạn thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông để nắm giữ 100% vốn điều lệ trong công ty.

– Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2014, theo đó:
Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp nêu trên thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán:
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng như sau:
+) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

+) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó;
Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;
+) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;
+) Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định ở trên thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
– Như vậy, không phải trường hợp nào nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể mua toàn bộ cổ phần, nắm giữ 100% vốn điều lệ trong công ty cổ phần. Khi nhà đầu tư có ý định mua lại cổ phần của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì cần xác định các yếu tố quyết định đến việc nhà đầu tư có thể được sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ trong công ty cổ phần đó.
+ Xác định lĩnh vực kinh doanh của công ty:
Xem xét lĩnh vực kinh doanh của công ty có chịu sự điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nếu có tồn tại một điều ước quốc tế như vậy thì phải tuân thủ quy định tại đó.
Ví dụ: Trong Biểu cam kết dịch vụ WTO mà Việt Nam là thành viên có quy định đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hành khách và vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa thì tỷ lệ sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 49%.
+ Xem xét ngành, nghề kinh doanh của công ty cổ phần mà nhà đầu tư dự định mua cổ phần: Trường hợp, công ty cổ phần này có ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải áp dụng theo quy định này.

  • Theo quy định của pháp luật chuyên ngành: Nếu trong văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định một tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài thì phải tuân theo quy định đó
  • Hoặc trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài có quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì phải tuân theo quy định đó đối với từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể:

(Ví dụ: Hoạt động sản xuất phim (CPC 96112); phát hành phim (CPC 96113); chiếu phim (CPC 96121), tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 51%.)
Trường hợp ngành nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện chưa quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu tối đa là 49%
Trường hợp cùng kinh doanh nhiều ngành nghề có điều kiện, nhà đầu tư lựa chọn trong số đó những ngành nghề có quy định về tỷ lệ sở hữu vốn được quy định cụ thể.
+ Quy định tại Điều lệ công ty:
Nếu pháp luật liên quan không quy định cũng như ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải căn cứ vào Điều lệ của công ty mà nhà đầu tư dự định mua cổ phần. Trường hợp Điều lệ chỉ giới hạn một tỷ lệ nhất định thì phải tuân theo quy định đó, nếu không quy định thì việc sở hữu phần vốn góp là không hạn chế. Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần để nắm giữ 100% vốn điều lệ trong doanh nghiệp.
Như vậy, đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức mua cổ phần của công ty trong nước để nắm giữ quyền sở hữu, điều hành hoạt động của công ty thì cần xem xét các khía cạnh thực tế và pháp lý nhằm đảm bảo thực hiện thủ tục hợp pháp, đúng pháp luật.

Luật Đồng Khánh xin cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm sử dụng dịch vụ của Công ty chúng tôi. Có bất cứ thắc mắc gì xin quý khách liên hệ tới địa chỉ sau, chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn giải đáp thắc mắc của quý khách:

CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0919 485331/0865 698331

Email: luatdongkhanh@gmail.com
Website: www.luatdongkhanh.comwww.dongkhanhlegal.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *